Sáng 30/6, tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược - Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Giải pháp cấp bách và định hướng chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận sau đại dịch Covid-19.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong bài phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Lê Cao Thanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược đã đề cập đến bốn vấn đề then chốt mà Hội thảo cần quan tâm thảo luận: 

Một là, Phân tích, lý giải nguyên nhân và khả năng chống trả của doanh nghiệp Bình Thuận trước đại dịch;

Hai là, Đề xuất giải pháp cấp bách cho doanh nghiệp Bình Thuận vượt qua khó khăn do đại dịch, để ổn định sản xuất kinh doanh và từng bước lấy lại đà tăng trưởng;

Ba là, Những định hướng chiến lược cho doanh nghiệp Bình Thuận phát triển bền vững trong tương lai, đủ sức vượt qua những thủ thách tương tự đại dịch lần này;

Bốn là, Những kiến nghị chính sách giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi vượt qua đại dịch và phát triển bền vững trong tương lai. 

Tiến sĩ Lê Cao Thanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận cho biết, mặc dù tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đã cơ bản được khống chế, nhưng tác động của dịch bệnh rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu… Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để ổn định sản xuất và phát triển bền vững trong giai đoạn hậu Covid-19.

Chủ trì hội thảo

Tại hội thảo, các tham luận đã nêu bật được thực trạng những tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các thách thức cũng như giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, vấn đề mà hầu hết doanh nghiệp bị ảnh hưởng đang gặp phải là doanh thu không đủ bù chi phí dẫn tới không đủ kinh phí để trả lương cho người lao động, để thực hiện các nghĩa vụ tài chính như thuế, bảo hiểm, lãi suất ngân hàng… Khó khăn về thị trường, nguồn thu,… đã khiến cho nhiều doanh nghiệp phải sử dụng biện pháp liên quan đến lao động như: gần 30% doanh nghiệp cắt giảm lao động; trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương lao động. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất vì thiếu nguồn nguyên liệu.

Về giải pháp trong thời gian tới, theo các đại biểu trước mắt, cần phải đánh giá các ngành nghề và doanh nghiệp chịu tác động do Covid-19 và chọn lọc đúng đối tượng để có hỗ trợ kịp thời. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo, nhất là gói hỗ trợ về tài khóa. Đối với doanh nghiệp, cần phát triển các nguồn nguyên vật liệu trong nước, tìm và thay thế nguồn nhập khẩu; phát triển các nguồn nguyên liệu và liên kết sâu với các nhà cung ứng nội địa. Tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng giảm đầu mối, tăng hiệu quả, cập nhật công nghệ, cơ cấu và đào tạo lại nhân lực. Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay thị trường trong nước đang dần khôi phục cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp khai thác trong thời gian chờ đón đầu cơ hội khi thị trường thế giới khôi phục…

Xuân Hưởng