Ngày 28/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng phối hợp với UBND thị xã Ngã Năm tổ chức Hội thảo du lịch về chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng). Chủ tọa hội thảo có các đồng chí: Trần Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Ngã Năm; Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Minh Lý - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh; các chuyên gia về du lịch, các công ty, doanh nghiệp lữ hành.

Chợ nổi là một loại hình chợ đặc biệt, xuất hiện tại vùng sông nước, nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe, thuyền làm phương tiện vận tải và di chuyển trên các khúc sông giao nhau. Chợ nổi không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, mà còn là đặc trưng nét văn hóa vùng sông nước, trở thành đặc sản du lịch, niềm tự hào của vùng đất, con người vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu tham dự hội thảo về du lịch chợ nổi Ngã Năm. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đồng chí Bành Phước An - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm cho biết: “Để thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển du lịch thị xã Ngã Năm gắn với bảo tồn chợ nổi Ngã Năm, UBND thị xã đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tập trung tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, như: khảo sát, đánh giá hiện trạng phát triển chợ nổi và xây dựng phương án phục hồi chợ nổi, đảm bảo cơ sở hạ tầng thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa đường thủy và đường bộ gắn với thực hiện Đề án số 02/ĐA-UBND, ngày 29/4/2022 của thị xã. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; kết nối các tour, tuyến du lịch giữa các điểm du lịch của địa phương với các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh, nhằm làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ du khách”.

Tiến sĩ Lê Cao Thanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: “Chợ nổi Ngã Năm là nơi lưu giữ được nhiều nét văn hóa Nam Bộ xưa. Đặc biệt, chợ có vị thế độc đáo bởi nằm ngay 5 nhánh sông hội tụ. Do đó, đây là những khía cạnh đáng lưu ý khi phát triển mô hình du lịch chợ nổi Ngã Năm. Tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn cụm phía Tây có thể hỗ trợ và kết nối với sản phẩm du lịch chợ nổi Ngã Năm. Đứng trên góc độ du lịch, chợ nổi Ngã Năm phải cạnh tranh trực tiếp với chợ nổi Cái Bè và chợ nổi Cái Răng”.

Tiến sĩ Trịnh Công Lý - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Việc bảo tồn chợ nổi phải đúng với thực tế văn hóa của cư dân thương hồ Tây Nam Bộ như cách thức buôn bán, phong cách ăn mặc, giao tiếp để thu hút du khách đến với chợ nổi Ngã Năm”.

Bên cạnh đó, thị xã Ngã Năm còn có thế mạnh với nhiều sản phẩm để phát triển du lịch như: các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hiện nay, thị xã có 7 di tích được xếp hạng, trong đó, có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, như: miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông; chiến thắng Chi khu Ngã Năm và 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh như: Khu Căn cứ Huyện ủy Thạnh Trị - Ngã Năm, thánh thất Minh Tiên, chùa Ô Chum, chùa Giác Hương, địa điểm Pháo đài chiến thắng Chi khu Ngã Năm; ngoài ra còn có Vườn cò Tân Long tại xã Long Bình...

Đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho rằng, Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm là 1 trong 10 sản phẩm du lịch chủ lực tập trung thực hiện. Thị xã Ngã Năm đang hoàn thiện Đề án Phát triển du lịch thị xã Ngã Năm gắn với bảo tồn chợ nổi giai đoạn 2021 - 2025 để trở thành sản phẩm du lịch sông nước hấp dẫn, chủ lực của tỉnh. Từ trung tâm chợ Ngã Năm theo đường sông đi 5 ngã sẽ nghiên cứu khai thác từng đoạn để phục vụ du khách gắn với trải nghiệm, tham quan làng nghề, hoạt động văn hóa, văn nghệ ven theo tuyến sông. Đồng thời, đồng chí giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với thị xã Ngã Năm tiếp tục nghiên cứu xây dựng để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chợ nổi Ngã Năm và gắn với việc phục hồi, phát triển chợ nổi Ngã Năm.

THEO THẠCH PÍCH - BÁO SÓC TRĂNG